image banner 
Trung tâm Y tế Bù Gia Mập
Mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia
Lượt xem: 1541
Những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng công nghệ thông tin, internet, các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin sai trái, thù địch, xấu xa, độc hại trên mạng xã hội với mức độ, tần suất ngày càng tăng, nhằm chống phá cách mạng nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

         Vì thế, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay là cần phải tỉnh táo, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc chuyển tải thông tin trên mạng xã hội.

anh tin bai

     Ảnh nguồn Internet 

         Nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thông qua thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế đến pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, thậm chí đến cả diễn biến về tình hình sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Thực tế cho thấy, những người tham gia nêu quan điểm, ý kiến phân tích, bình luận, đánh giá tình hình đất nước trên mạng xã hội có thể chia ra theo 03 nhóm đối tượng. 
         Nhóm 1: Nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước đang diễn ra. Họ chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. 
         Nhóm 2: Nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng”, “bơm căng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng. 
         Nhóm 3: Nhóm vô tình bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến phản động của nhóm 2 mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra. Phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông,... 
         Trong 03 nhóm nêu trên, nếu tỉnh táo xem xét, phân tích, dễ dàng nhận ra nhóm 2 tuy chiếm tỷ lệ ít, nhưng nguy hiểm và điều đáng quan ngại là nhóm này dễ dàng lôi kéo để có được sự “hậu thuẫn” của nhóm 3 - nhóm chiếm tỷ lệ rất đông. Vì thế, dù chiếm tỷ lệ ít, song phạm vi tác động của nhóm 2 lại rất rộng, làm cho nhiều người có cảm giác “cứ vào mạng xã hội là thấy toàn nghịch cảnh, chuyện sai trái, xã hội đầy màu đen”. Trong khi đó, nếu tỉnh táo xem xét, có thể thấy trên mạng xã hội hiện nay, những ý kiến phân tích, bình luận, phê phán của những người thuộc nhóm 1 chiếm tỷ lệ không nhiều, chủ yếu tập trung ở quan điểm của những nhà nghiên cứu chuyên sâu, phát ngôn của các cơ quan chuyên môn… Những người của nhóm 1 cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện vai trò của mình trên mạng xã hội (thường phải hứng chịu “gạch, đá” của những cư dân mạng thiếu hiểu biết và những kẻ phản động, đội lốt dân chủ). 
         Như vậy, chúng ta đã vô tình dành một “mảnh đất” rất rộng trên mạng xã hội cho các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền, xuyên tạc; cho những người nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống tin chính thống, những người nắm và hiểu vấn đề còn nông cạn,… tham gia cổ xúy, tuyên truyền, quảng bá cho cái xấu, cái sai, bất chấp hậu quả tai hại của nó đối với đạo đức xã hội, đối với sự phát triển của đất nước.

         Chế độ xã hội tiến bộ, văn minh mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn xây dựng hơn 7 thập niên qua không lúc nào không gặp phải sự phá hoại của các thế lực phản động, thù địch, phản tiến bộ, phi dân chủ. Hiện nay, lợi dụng các ưu thế của mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước càng ráo riết, quyết liệt hơn trong việc chống phá chế độ ta, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình với non song đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mạng xã hội. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động. Đó cũng là góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho một bộ phận người dân vốn đang “đói” thông tin chính thống nhưng lại đang chới với, sắp “chết chìm” trong “biển thông tin” chưa rõ thực hư trên mạng xã hội./. 

Vương Thị Hằng - nguồn Tuyên giáo Trung ương