image banner 
Trung tâm Y tế Bù Gia Mập
KHI NÀO BẠN CẦN CHỤP CT SCANNER PHỔI
Lượt xem: 48

1. Chụp cắt lớp vi tính (CT)  phổi là gì ?

Chụp cắt lớp vi tính hay chụp CT Scan, là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X chiếu qua cơ thể kết hợp với máy tính để tạo ra hình ảnh cắt ngang của mô mềm, cơ quan, xương và mạch máu bên trong cơ thể. Máy CT tạo ra nhiều lát cắt hình ảnh, có thể ở dạng 2D hoặc 3D.

Chụp cắt lớp vi tính phổi (CT phổi) cung cấp các hình ảnh chi tiết hơn so với X-quang thông thường giúp phát hiện, chẩn đoán, theo dõi các bệnh lý phổi mắc phải và bẩm sinh, bao gồm viêm phổi, bệnh phổi kẽ và cả ung thư phổi.

Người ta thường điều chỉnh giảm lượng bức xạ cần thiết để thực hiện chụp CT phổi. Chụp CT phổi liều thấp tạo ra hình ảnh có chất lượng đủ để phát hiện nhiều bệnh phổi, nhạy hơn X-quang trong việc phát hiện ung thư phổi, đồng thời ít tiếp xúc với bức xạ hơn so với CT ngực thông thường.

2. Vai trò của chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi trong tầm soát ung thư phổi

Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tỷ lệ mắc ung thư phổi tại Việt Nam cao thứ hai chỉ sau ung thư gan. Hơn 80% các trường hợp ung thu phổi phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi. Thế nhưng, phần lớn các trường hợp ung thư phổi chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Nhiều người có các nốt trong phổi, hầu hết là vết sẹo của nhu mô phổi do nhiễm trùng phổi trước đó gây ra, một số ít nốt trong phổi là biểu hiện sớm của ung thư phổi. Những nốt này có thể được phát hiện trên CT trước khi ung thư phổi phát triển gây ra các triệu chứng. Các nốt nhỏ này có thể bị bỏ qua khi chụp X-quang. .

anh tin bai

trường hợp bệnh nhân mà X - quang thông thường không phát hiện được tổn thương nhưng trên Chụp CT phổi liều thấp đã phát hiện tổn thương(nguồn: internet)

CT phổi phát hiện được các nốt trong phổi, đã được chứng minh là tăng khả năng điều trị và sống sót ở bệnh nhân ung thư phổi so với bệnh nhân không được chụp CT phổi.

3. Vai trò của CT SCANNER trong chuẩn đoán thuyên tắc phổi

Chụp CT ngực, cũng như chụp động mạch phổi chẩn đoán xác định thuyên tắc phổi trong phần lớn các trường hợp

anh tin bai

 Chụp CT hiện nay là phương pháp hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trong chuẩn đoán thuyên tắc phổi

4. Khi nào cần chụp cắt lớp vi tính (CT SCANNER) phổi 

    Bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT để:

- Kiểm tra các bất thường phát hiện trên phim chụp X-quang ngực.

- Chẩn đoán nguyên nhân của các triệu chứng liên quan đến bệnh phổi như: ho, khó thở, đau tức ngực, sốt.

- Phát hiện, tầm soát ung thư phổi.

- Đánh giá giai đoạn, mức độ lan rộng của ung thư phổi nguyên phát hoặc các khối u di căn từ bộ phận khác của cơ thể đến phổi.

- Lập kế hoạch điều trị và đánh giá hiệu quả điều trị ung thư phổi.

- Đánh giá tổn thương ở ngực, bao gồm tim, mạch máu, phổi, xương sườn và cột sống.

Chụp CT phổi có thể phát hiện các bệnh lý phổi như:

- Khối u phổi lành tính và ác tính

- Viêm phổi

- Bệnh lao

- Giãn phế quản và xơ nang

- Viêm màng phổi

- Bệnh phổi kẽ 

- Bệnh phổi mạn tính

- Dị tật phổi bẩm sinh

5. Ai cần phải chụp CT SCANNER phổi

  • Gia đình có tiền sử bị bệnh ung thư phổi;
  • Những người thuộc độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, đang sử dụng thuốc lá thường xuyên hoặc đã hút thuốc lá hơn mười năm. Những đối tượng này có nguy cơ rất cao mắc các bệnh lý liên quan đến phổi;
  • Những đối tượng thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nhiễm chất phóng xạ, khói bụi, các chất độc hóa học;
  • Những bệnh nhân gặp phải các chấn thương nghiêm trọng tại vùng ngực, có ảnh hưởng đến phổi hoặc trung thất hoặc nghi ngờ có thương tổn đến vùng phổi;
  • Các bệnh nhân đang bị viêm phế quản nặng, viêm phổi kẽ hoặc các bệnh lý liên quan đến phổi khác;
  • Bệnh nhân thường xuyên bị khó thở, khó nuốt thức ăn, ho ra máu không rõ nguyên nhân.

Bs. Mai Văn Triều